Phan Xi Păng, Fansipan, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Fansipan là điểm hẹn của những nhà leo núi và những ai ưa cảm giác chạm đến mây trời.
Với chiều dài 280km từ Phong Thổ đến Hòa Bình, chiều ngang chân núi rộng nhất khoảng 75km, hẹp là 45km, gồm ba khối, khối Bạch Mộc Lương Tử, khối Phan Si Păng và khối Pú Luông. Cả mái nhà đồ sộ này ẩn chứa bao điều kỳ lạ, nhưng kỳ lạ và bí ẩn nhất, chính là đỉnh Phan Xi Phăng. Dưới chân núi là những cây gạo, cây mít, cây cơi với mật độ khá dầy tạo nên những địa danh Cốc Lếu (Cốc Gạo), Cốc San (Cốc Mít)…Từ đây đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới có những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là tầng cây hạt trần như cây pơmu, có những cây ba, bốn người ôm không xuể, cao khoảng 50-60m, tuổi đời tới vài trăm năm. Pơmu (ngọc am) được mệnh danh là mỏ vàng của Lào Cai.
Bên cạnh pơmu, còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như: lãnh sam, thiết sam, liễu sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn… Các cây lá kim ken đầy với cây gỗ nhỏ trụi, thân luôn sũng nước vì càng lên cao, càng hay mưa, có năm cả Phan Si Păng mưa suốt một tháng liền. Xen lẫn với rừng lá kim, là các loại hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Hầu như bốn mùa, cả Sa Pa đều ngập tràn trong muôn sắc các loài hoa: lay ơn, thược dược, bgônha, estcola… là những thứ hoa dưới đồng bằng hiếm có. Riêng hoa đỗ quyên có tới bốn chi với hai chục loài khác nhau. Có nơi đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 643 loài thì riêng Phan Si Păng có tới 330 loài.
Lên cao 2.400m, gió mây quyện hoà với cây rừng, có lúc xòe tay ta tưởng đã nắm được mây. Từ độ cao 2.800m, mây mù bỗng tan biến, bầu trời quang đãng, trong xanh. Chỉ có gió thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá. Phủ kín mặt đất là trúc lùn, những bụi trúc thấp khoảng 25 Cm
Thời điểm đẹp nhất để leo núi
Nếu leo Fansipan mà gặp trời mưa thì chuyến đi sẽ vô cùng khó khăn. Đường núi trở nên trơn trượt và lạnh giá, trời mù mịt sương khiến bạn không quan sát được quang cảnh tươi đẹp. Vì vậy phải tuyệt đối tránh đi vào mùa mưa. Thời gian đẹp nhất lên Fansipan là tháng 10 và 11, khi mưa đã dứt nhưng mùa đông chưa thật sự đến. Hoặc tháng 2 và tháng 3, khi tiết trời vào xuân và mùa mưa chưa đến. Leo núi vào cuối tháng 3, nếu gặp may, bạn cũng có khả năng sẽ gặp những cánh rừng đỗ quyên nở hoa rợp trời, đẹp như tranh.
Lựa chọn Chương trình Sapa leo núi phù hợp
Có nhiều loại chương trình chinh phục Fansipan dành cho người leo núi chuyên nghiệp, người có sức khỏe tốt, trung bình hoặc yếu. Từ đó, hành trình có thể kéo dài từ 1 ngày đến 4 ngày hoặc nhiều hơn. Nếu là người có sức khỏe trung bình, bạn nên chọn hành trình 3 ngày là phù hợp, với 1 ngày lên đến trạm 2, gần đỉnh núi, ngày thứ 2 từ trạm 2 lên đỉnh và xuống lại trạm 2 để nghỉ ngơi, và ngày thứ 3 từ trạm 2 xuống chân núi.
Bạn đừng quên rằng đường xuống núi luôn khó hơn đường lên núi, vì các dốc núi dựng đứng sẽ làm chân bị chùng, gối run, rất dễ ngã. Thời gian xuống núi nên đảm bảo khởi hành sớm để xuống đến nơi an toàn, không phải băng rừng núi trong đêm tối.
Có đến 3 - 4 đường lên đỉnh núi, độ khó khác nhau, cho người thích mạo hiểm và người chỉ leo núi ở mức trung bình. Là người lần đầu leo núi với sức khỏe vừa phải, bạn nên chọn đường “Trạm Tôn”. Với hành trình này, bạn vẫn có thể nếm trải những đoạn gian nan, thử sức dẻo dai của mình, nhưng cũng có những đoạn tương đối thong thả để dưỡng sức.
Hai tuần trước khi leo núi
Có hai món đồ quan trọng nhất cần phải lựa chọn kỹ, một là một bộ quần áo thoải mái, co giãn, hút ẩm, ấm áp và hai là một đôi giày cực tốt. Trang phục có thể là quần kaki thun, áo len kín cổ tay dài, áo khoác ngoài dạng thể thao để gọn nhẹ trong khi di chuyển. Giày phải là giày leo núi chất lượng tốt đi kèm vớ thể thao loại dày. Cần ghi nhớ là nếu giày không phù hợp, gây đau chân khi đang leo núi, chuyến đi sẽ trở thành… thảm hại.
Sau khi chọn được những món đồ vừa ý, để chắc chắn, bạn phải mặc thử bộ quần áo cũng như mang thử giày dự định sẽ dùng trong chuyến leo núi. Bạn có thể đi bộ hoặc chạy bộ mỗi buổi sáng với trang phục này, hoặc đi bộ lên xuống cầu thang nhiều lần cùng một ba lô trên vai bỏ vài vật dụng cần thiết để kiểm tra xem trang phục và giày có hoàn toàn thoải mái không.
Phải ăn uống đủ chất và ngủ đủ giấc. Kiệt sức, mệt mỏi hoặc quá stress trong công việc sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hành trình leo núi của bạn.
Vật dụng cần thiết khi leo núi
Có rất nhiều món đồ nhỏ lỉnh kỉnh, bạn nên viết ra giấy để sắm sửa cho đủ:
- Dung dịch rửa tay khô.
- Đèn pin
- Dầu nóng phòng cảm lạnh
- Thuốc chống côn trùng
- Khăn giấy ướt
- Áo mưa cá nhân cho bạn, cho máy ảnh, cho giỏ xách, phòng khi mưa bất chợt giữa đường.
- Một chục đôi vớ loại dày và ấm, phòng khi qua suối ướt vớ thì có thể thay ngay.
- Găng tay
- Một bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân loại hành trình, nhỏ gọn để bỏ vào túi.
- Trà nhân sâm
- Viên sủi vitamin C
- Một số dụng cụ y tế cơ bản phòng bị trầy xước trên đường đi.
Chuẩn bị hành lý khi leo núi
Hành lý cho vào hai ba lô khác nhau, một ba lô lớn để gửi người mang hành lý, một ba lô nhỏ gọn, không quá 2kg, để bạn mang theo bên người.
Ba lô lớn bao gồm áo ấm, mền cá nhân (loại dùng trên tàu hoặc máy bay), quần áo, tất cả các loại hành lý không cần dùng khẩn cấp trên đường. Ba lô nhỏ bỏ một ít kẹo chocolate phòng khi hạ đường huyết bất chợt vì mất sức, một ít trái cây, tốt nhất là loại quýt trái nhỏ, vừa có vitamin vừa chống khát, một chai nước suối nhỏ, đèn pin, áo mưa, ít đồ y tế.
Hành trình leo núi
Buổi sáng đầu tiên bạn nên ăn đầy đủ, không cần quá no nhưng phải đủ chất, uống trà sâm trước khi lên đường.
Nên có một cây gậy chống trong suốt hành trình. Gậy thường có rất nhiều dưới chân núi, do những người đi trước để lại. Vật dụng này không thể thiếu trong hành trình của bạn.
Mỗi ngày nên bỏ một viên vitamin C sủi vào chai nước suối nhỏ mang theo bên người, thỉnh thoảng uống từng ngụm một.
Không ăn mặn quá vì sẽ gây khát nước, rất mệt cho hành trình leo núi.
Thỉnh thoảng nên ăn một thỏi kẹo chocolate để tăng năng lượng.
Khi ngủ cần phải lót mền cá nhân vào bên trong túi ngủ, thoa dầu nóng vào hai lòng bàn chân rồi mang vớ dày, mặc áo ấm, đeo găng, đội mũ len sau đó mới chui vào túi ngủ.
Những đoạn khó đi cần phải bình tĩnh, cẩn thận. Không bước chân lên khi chưa thật sự thấy vững và yên tâm. Phải hết sức thận trọng. Cần hít thở sâu suốt hành trình để giữ sức.
Trên đỉnh núi có sóng điện thoại để gọi cho bạn bè người thân. Bạn nên mang theo điện thoại để chia vui với người thân khi đứng trên Nóc nhà Đông Dương này. Và cuối cùng, đừng quên mang theo cờ tổ quốc để chụp hình, ghi lại khoảnh khắc khó quên khi bạn tới đích trên đỉnh núi.
Hiện nay, tuy đã có hạn chế việc leo lên đỉnh Fansipan nhưng Lữ khách có thể lên đỉnh bằng cách đi cáp treo trong khu tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Fansipan Legend của tập đoàn Sun Group. Việc chạm đến nóc nhà Đông Dương chưa bao dễ dàng hơn đến thế.
Xem thêm:
Các Chương trình Sapa - đỉnh Fansipan