Fansipang nằm ở Tây Bắc Việt Nam, có tọa độ 22°17′52″B, 103°47′11″Đ. Phansipang chịu ảnh hưởng của miền khí hậu Miền Bắc, là khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa xuân, hè, thu, đông rõ rệt. Mùa xuân miền Bắc bắt đầu từ tháng 2 cho đến hết gần tháng 4, là mùa đẹp nhất trong năm. Mùa hè từ tháng 4 đến tháng 9,vào mùa này thì nhiệt độ trong ngày khá nóng và mưa nhiều. Tháng nóng nhất thường là vào tháng 6. Tháng 5 đến tháng 8 là tháng có mưa nhiều nhất trong năm. Mùa thu chỉ vỏn vẹn trong hai tháng 9 và 10. Mùa thu miền Bắc rất đẹp, trời trong xanh và không khí mát mẻ. Mùa đông thường vào tháng 11 đến tháng 2 năm sau, mùa này khí hậu lạnh và hanh khô.
Chuẩn bị kỹ càng đồ đạc để sẵn sàng với mọi tình huống xảy ra khi leo núi
Do những đặc điểm thời tiết của Miền Bắc nên việc leo núi phù hợp nhất là từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 4 năm sau. Trong đó thời gian đẹp nhất là tháng 10 và tháng 11. Thời điểm này trong năm tại miền bắc trời không mưa và nhiệt đội trên núi không quá lạnh vì vậy giúp cho việc chinh phục Fan dễ dàng hơn và an toàn hơn. Dù là bất cứ thời điểm nào thì ở trên núi đều lạnh, càng lên cao càng lạnh và nhiệt đô ban đêm thấp hơn nhiệt độ ban ngày từ 6-10oC. Nhiêt độ lạnh nhất trong tháng 9,10,11 có thể đến 4-3oC vào ban đêm. Và các tháng 12, 1, 2, 3 nhiệt độ có thể xuống 0oC hoặc thấp hơn và có cả tuyết. Thời tiết trên Fan thay đổi hàng giờ và bạn thực sự cần may mắn để có được bầu trời trong xanh trên đỉnh núi. Có khi ở lưng chừng núi trời nắng đẹp nhưng trên đỉnh lại có mây mù bao phủ. Tuy nhiên nếu may mắn có được thời tiết tốt bạn sẽ có những khoảng khắc tuyệt đẹp không thể nào quên.
Những vật dụng cần thiết khi leo núi
Khi leo lên nóc nhà Đông Dương, những món đồ sau sẽ bảo vệ bạn khỏi rắc rối khi chưa quen đi bộ và leo núi dài ngày.
Mũ vành rộng và có dây buộc (giống kiểu mũ tai bèo)
giúp bạn khỏi bị nắng gắt hoặc mưa và đặc biệt là tránh vắt, các côn trùng khác trong rừng núi.
Áo khoác mỏng, nhẹ, ấm và có thể tránh mưa
Bạn hãy dùng nó để mặc khi dừng nghỉ vì khi đi thì rất nóng và toát mồ hôi, nhưng khi dừng lại sẽ bị lạnh do khí hậu vùng núi.
Khăn quàng cổ
Vừa là chiếc khăn lau mồ hôi, vừa giúp bạn tránh các loại côn trùng rơi vào vùng gáy.
Quần ống rộng
kaki hoặc quần có chất liệu thoáng, không cứng, di chuyển dễ dàng. Khi leo núi, tuyệt đối tránh mặc quần bò vì chất liệu cứng gây bất tiện cho việc di chuyển.
Bịt đầu gối
Được làm bằng chất liệu co giãn, bịt đầu gối vừa vặn cho tất cả mọi người. Chiếc bịt gối giảm chấn thương tối đa khi đầu gối va đập vào các vách núi, cũng như những trường hợp ngã.
Bịt gót chân
Cũng được làm bằng chất liệu co giãn. Bịt gót có tác dụng định vị gót chân khi leo vì có rất nhiều trường hợp bị trật chân một cách đáng tiếc.
Giày và tất
Dùng giày đinh và tất bộ đội là tốt nhất. Tất nên dày và dài bọc kín chân đến đầu gối vừa ngăn được va quệt đá hay cây cối, vừa ngăn côn trùng, đặc biệt là vắt. Giày đinh có độ bám tốt và cổ cao, khi mua giày nhớ chọn cỡ to hơn chân mình một số vì tất dày và chân bạn sẽ to ra vào buổi chiều.
Ba lô
Chất liệu nhẹ, luôn có áo mưa hoặc mảnh vải mưa bọc ngoài. Đồ trong balô bọc kỹ trong túi nylon và xếp gọn. Những vật cần dùng để trên đầu để thuận tiện cho việc lấy ra sử dụng.
Áo mưa
Nên dùng áo mưa bộ để việc đi lại được dễ dàng.
Các vật như giầy, tất, bịt đầu gối, bịt gót chân, mũ tai bèo, găng tay… mua tại cửa hàng trên đường Lê Duẩn (gần đoạn cắt với đường Khâm Thiên) hoặc các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động dọc phố Yết Kiêu (gần ĐH Mỹ thuật Hà Nội).